Ngày 12/09/2012, UBND TP Đà Nẵng đã tổng kết 5 năm tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng (DIFC). Trong lễ tổng kết đã có một số ý kiến đề xuất nên chọn địa điểm mới cho các đội quốc tế trình diễn, vì địa điểm cũ (từ cảng Sông Hàn ở bờ Đông bắn pháo ra giữa dòng sông Hàn) sau nhiều năm tổ chức có thể đã… quá cũ! |
Theo đó, một số ý kiến đề nghị đưa lên bán đảo Sơn Trà để trình diễn pháo hoa, một số khác cho rằng nên đưa lên phía sau Đài Tưởng niệm trên đường 2/9, một số khác nữa đã đề xuất nên tổ chức bắn pháo hoa từ trên sà lan đậu giữa sông Hàn (ở đoạn giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn), và cũng có cả ý kiến đề nghị đưa ra vịnh Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa từ sà lan đậu trên biển như kiểu “Lễ hội Ánh sáng Vancouver” được tổ chức ở Canada…
Hầu hết các ý kiến này đều lấy lý do người dân, du khách sẽ bị nhàm chán sau nhiều năm liên tục xem pháo hoa chỉ ở một chỗ. Ngoài ra, giới am hiểu cũng “phỏng đoán” các đề xuất chuyển đổi vị trí tổ chức DIFC có thể do tác động từ chủ đầu tư các dự án du lịch ở khu vực bán đảo Sơn Trà, Đài Tưởng niệm… Nếu cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế được đưa đến gần khu vực dự án của các chủ đầu tư này thì họ sẽ hưởng lợi không nhỏ.
Tuy nhiên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh yêu cầu khi tính chuyện chuyển địa điểm tổ chức DIFC sang nơi khác phải cân nhắc thật kỹ chỗ cho người dân, du khách đứng xem pháo hoa là ở đâu? Nếu không sẽ rất lúng túng chứ không hề đơn giản.
Theo ông, tổ chức bắn pháo hoa ở bán đảo Sơn Trà mới nhìn thì có vẻ đẹp nhưng địa thế ở đây dốc đứng nên khó có thể chứa được một lượng lớn đến hàng chục ngàn người đứng xem pháo hoa. Tương tự, nếu đưa xà lan ra sông Hàn tổ chức bắn pháo hoa giữa cầu Sông Hàn với cầu Rồng thì chỗ cho người dân đứng xem ở đâu? Phải chứng minh cho được lượng người xem có đông hơn khi tổ chức ở địa điểm cũ hay không?
“Đem ra biển bắn cũng đứng ở đâu để xem? Tôi nói lại sà lan để bắn pháo hoa trên biển không hề đơn giản. Các nước làm việc này quen rồi còn mình không có kinh nghiệm mà cũng “lơn tơn” bắt chước, mò ra biển bắn rồi chập điện này nọ lung tung thì “tắt tiếng ca” luôn. Trình đó của họ chuyên nghiệp ghê lắm rồi, đừng thấy họ làm rồi cũng tưởng là mình làm được!” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Theo ông, việc tổ chức DIFC ở vị trí cũ vẫn có nét đẹp riêng và rất thuận lợi. Bãi bắn là cảng Sông Hàn rất rộng rãi. Ngoài các khán đài chính và các khoảng không gian rộng thoáng ở 2 bên bờ sông thì các cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước thoả mãn cho lượng người xem không nhỏ. Hơn nữa, các nhà cao tầng đang nối tiếp nhau mọc lên 2 bên bờ sông Hàn cũng đáp ứng đáng kể nhu cầu xem pháo hoa của người dân và khách du lịch.
“Muốn sáng tạo thì phải đẹp hơn, thuận lợi hơn chứ nếu chỉ vì thấy bắn một chỗ lâu quá có thể nhàm chán rồi đổi chỗ khác mà tệ hơn thì không được. Về mặt nguyên tắc, đổi mới phải tốt hơn cái cũ, chứ không phải đổi cho có cái mới nhưng cuối cùng số luợng người xem ít hơn, không đẹp hơn. Vì vậy tôi đề nghị địa điểm bắn pháo hoa 2013 chính thức vẫn là ở địa điểm cũ” – ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Làm sao có vé xem pháo hoa tại Đà Nẵng ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét